Giới thiệu về Ngành Công nghệ truyền thông
Trên nền tảng truyền thông đa phương tiện đáp ứng xu thế của thời đại 4.0, ngành Công nghệ truyền thông trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức chuyên sâu về truyền thông, truyền thông marketing tích hợp, quảng cáo, tổ chức sự kiện, xây dựng thương hiệu; trang bị các công cụ và phần mềm để thiết kế ấn phẩm, thiết kế giao diện website, quay dựng, biên tập audio và video… phục vụ hoạt động truyền thông tại doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan đa lĩnh vực.
Đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ truyền thông
Vài nét về ngành Công nghệ truyền thông
Ngành Công nghệ truyền thông chính thức đào tạo sinh viên từ Khóa 13 (năm học 2014 – 2015). Đến nay, 04 khóa sinh viên theo học đã tốt nghiệp ra trường, trong đó nhiều em gặt hái được những thành công ban đầu trong hoạt động truyền thông nội bộ, xây dựng thương hiệu, văn hoá doanh nghiệp hoặc cung ứng dịch vụ truyền thông đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các tổ chức, doanh nghiệp.
Sinh viên Công nghệ truyền thông chụp ảnh cùng bác Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trong chuyến “Về nguồn” tại ATK Định Hóa, Thái Nguyên vào tháng 4/2018
Với định hướng đào tạo ứng dụng, đội ngũ giảng viên trẻ trung và nhiệt huyết, sinh viên Công nghệ truyền thông thường xuyên được tham dự các hoạt động nghề trong tương lai như tổ chức sự kiện, thực hành xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông cho tổ chức/doanh nghiệp, thực hành viết bài PR đăng báo, tham gia các cuộc thi và dự án truyền thông trong nước và quốc tế…
Sinh viên Công nghệ truyền thông K18A tổ chức talkshow “Sinh viên với việc làm thêm”
năm 2022 trong báo cáo kết thúc học phần Tổ chức sự kiện
Mục tiêu đào tạo ngành Công nghệ truyền thông
- Trang bị các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội để giải quyết các vấn đề liên quan trong lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và cuộc sống.
- Có năng lực tin học và ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc với các đối tác trong nước và quốc tế; Có kỹ năng sử dụng máy tính vào xử lý các công việc chuyên môn, nghiệp vụ.
- Trang bị khối kiến thức nền tảng về tư duy mỹ thuật, các loại dữ liệu đa phương tiện, cách thu thập và xử lý dữ liệu đa phương tiện; kiến thức tổng quan về truyền thông, quảng cáo và cách thức triển khai chiến dịch truyền thông.
- Trang bị những kiến thức chuyên sâu về truyền thông trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp bao gồm quan hệ công chúng, truyền thông nội bộ, xây dựng và phát triển thương hiệu, xử lý khủng hoảng truyền thông, quản lý và đánh giá chiến dịch truyền thông, truyền thông doanh nghiệp và tiếp thị, tổ chức sự kiện…
- Có kỹ năng lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, quản lý, tổ chức triển khai và đánh giá các sự kiện truyền thông và chiến dịch truyền thông; có kỹ năng thiết kế ấn phẩm truyền thông, quay dựng và sản xuất các nội dung đa phương tiện (text, ảnh, video) phục vụ hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp.
- Có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm; khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường xã hội và sự phát triển của khoa học công nghệ; có kỹ năng tự học và khả năng nghiên cứu, lĩnh hội tri thức khoa học đáp ứng mọi yêu cầu của công việc.
Thầy và trò Công nghệ truyền thông tổ chức Không gian trải nghiệm Tết cổ truyền Xuân Tân Sửu 2021 tại trường THPT Ngô Quyền
Học Công nghệ truyền thông tại ICTU có lợi thế gì?
Xu hướng mới được cập nhật thường xuyên: Cập nhật các xu hướng truyền thông mới, tiếp cận công nghệ hiện đại hỗ trợ tối ưu cho hoạt động truyền thông doanh nghiệp
Cơ hội “thực chiến” ngay từ năm nhất: Sinh viên có nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi, các dự án truyền thông mang tầm quốc gia và có điều kiện “thực chiến” trong các dự án truyền thông thực tế tại doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo tiếp cận đa chiều đáp ứng chuyển đổi số doanh nghiệp:
Chương trình đào tạo có tính mở với nhiều góc tiếp cận cho sinh viên – Truyền thông chuyên nghiệp; Truyền thông ứng dụng cho doanh nghiệp; Truyền thông kinh doanh số…
Môi trường giáo dục thân thiện với đội ngũ giảng viên năng động: Môi trường học tập hiện đại, cởi mở – kích thích tư duy sáng tạo và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực hành nghề nghiệp; Đội ngũ giảng viên trẻ trung, thân thiện, luôn lắng nghe tâm tư và nguyện vọng của sinh viên.
Nữ sinh viên Công nghệ truyền thông tham dự Hội báo toàn quốc năm 2019
Cơ hội việc làm cho sinh viên Công nghệ truyền thông
Sinh viên đang theo học và tốt nghiệp ngành Công nghệ truyền thông có cơ hội đảm nhiệm các vị trí công việc sau:
- Chuyên viên truyền thông, marketing, quan hệ công chúng (PR) tại các bộ phận PR hoặc Marketing của cơ quan, doanh nghiệp;
- Trưởng bộ phận, trưởng nhóm hoặc phụ trách truyền thông tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
- Chuyên gia tư vấn truyền thông, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định, xây dựng, tổ chức, điều hành, quản lý và đánh giá chiến dịch truyền thông và xây dựng thương hiệu;
- Chuyên viên nghiên cứu về các chương trình hoặc ứng dụng truyền thông; điều phối sản xuất, quản lý sản xuất chương trình, kinh doanh thời lượng phát sóng tác phẩm truyền hình, phát thanh;
- Phóng viên, cộng tác viên báo in, báo mạng điện tử về các lĩnh vực: giải trí, xã hội, học đường, công nghệ số…;
- Cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, giáo dục về lĩnh vực báo chí, truyền thông;
Đặc biệt:
- Mức lương trung bình hàng tháng từ 000.000 vnđ – 15.000.000 vnđ
- 100% sinh viên ra trường có việc làm, trong đó có 80% sinh viên làm đúng chuyên ngành được đào tạo