NGHIỆM THU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT SỐ – BƯỚC TIẾN MỚI TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC SÁNG TẠO CỦA ICTU
Ngày 21/03/2025, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICTU) đã tổ chức buổi nghiệm thu chương trình đào tạo Nghệ thuật số với sự tham gia của Hội đồng đánh giá gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mỹ thuật, truyền thông và công nghệ. Đây là cột mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện chương trình, hướng đến việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam.
Hội đồng nghiệm thu gồm các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, đào tạo và sáng tạo nghệ thuật số:
– Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Họa sĩ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
– Bà Phạm Thị Thanh Hà – Nhà biên kịch, Trưởng phòng Kịch bản và phụ trách truyền thông, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam
– Ông Ngô Đức Lâm – Họa sĩ, Giảng viên, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp
– Ông Nguyễn Huy Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên
– Ông Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng, Trường Đại học Công nghệ Thông tin & Truyền thông, Đại học Thái Nguyên
– Ông Phạm Việt Bình – Đại học Lạc Hồng
– Ông Hà Anh Sơn – Chủ tịch HĐQT, CTCP Phát triển Công nghệ Minh Việt
Ảnh: TS. Đỗ Thị Bắc – Trưởng khoa Khoa Nghệ thuật và Truyền thông trình bày
đề án mở chương trình đào tạo Nghệ thuật số
Đại diện nhóm xây dựng chương trình đào tạo, TS. Đỗ Thị Bắc – Trưởng khoa Khoa Nghệ thuật và Truyền thông trình bày trước Hội đồng về chương trình đào tạo Nghệ thuật số. Chương trình đào tạo người học có kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật, tâm lý học; kiến thức nền tảng về mỹ thuật, điêu khắc, âm nhạc và truyền thông; kiến thức chuyên ngành về đồ họa và điện ảnh số. Qua đó giúp người học có kỹ năng sử dụng các công cụ phần mềm, kỹ năng tư duy thiết kế, sản xuất và trình diễn các sản phẩm nghệ thuật số; có năng lực tự chủ, thích ứng với môi trường làm việc đa dạng, hướng tới phục vụ truyền thông và thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí.
Hội đồng thẩm định đánh giá cao tính thực tiễn và sự phù hợp của chương trình đào tạo Nghệ thuật số với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp giải trí. Đồng thời, các chuyên gia đã đưa ra những góp ý chuyên sâu nhằm hoàn thiện chương trình, đảm bảo tính ứng dụng cao và đáp ứng tốt nhu cầu thực tế của thị trường lao động tại Việt Nam.
Ảnh: Bà Phạm Thị Thanh Hà – Nhà biên kịch Hãng phim Hoạt hình Việt Nam nhận định tiềm năng phát triển lớn của CTĐT Nghệ thuật số
Bà Phạm Thị Thanh Hà, Nhà biên kịch Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, nhận định rằng chương trình đào tạo Nghệ thuật số có tiềm năng lớn trong việc cung cấp nhân lực cho ngành công nghiệp hoạt hình và điện ảnh số. Với nhu cầu ngày càng cao về sản xuất nội dung sáng tạo, việc đào tạo bài bản về kịch bản, hình ảnh động và công nghệ dựng phim sẽ giúp sinh viên sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của ngành phim hoạt hình tại Việt Nam.
Ảnh: Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu
tại Hội đồng
Ông Nguyễn Huy Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Đồng chí đề nghị Nhà trường quan tâm bảo đảm mục tiêu chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Về nội dung đào tạo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý Nhà trường bám sát phông văn hóa, lịch sử Việt Nam; đưa một số môn tự chọn về lịch sử thế giới… để sinh viên tự học thêm. Để tạo sự độc đáo của chương trình đào tạo cần khuyến khích sinh viên có năng lực học các chứng chỉ, tín chỉ quốc tế để từ 3-3,5 năm có thể tốt nghiệp đại học; tăng thời lượng thực hành, ứng dụng.
Ảnh: Ông Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng ICTU khẳng định CTĐT có tính ứng dụng cao phù hợp định hướng xây dựng văn hoá số
Ông Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng ICTU khẳng định Chương trình đào tạo Nghệ thuật số có tính ứng dụng cao, phù hợp với định hướng xây dựng văn hóa số. Nhà trường cam kết đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp sinh viên tiếp cận công nghệ hiện đại và sẵn sàng hội nhập thị trường lao động số.
Ảnh: Họa sĩ Ngô Đức Lâm – Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đánh giá CTĐT Nghệ thuật số đảm bảo sự hài hòa giữa mỹ thuật truyền thống và công nghệ số, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng thực hành
Dưới góc độ chuyên môn, họa sĩ Ngô Đức Lâm, Giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đánh giá chương trình đã kết hợp hài hòa giữa mỹ thuật truyền thống và công nghệ số, giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo lẫn kỹ năng thực hành. Ông nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, việc đào tạo bài bản về thẩm mỹ, thiết kế đồ họa và sản xuất nội dung số sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho sinh viên khi gia nhập thị trường lao động.
Ảnh: Ông Hà Anh Sơn – Chủ tịch HĐQT, CTCP Phát triển Công nghệ Minh Việt nhấn mạnh rằng CTĐT Nghệ thuật số là xu hướng và hướng đi tất yếu để Việt Nam vươn tầm sáng tạo toàn cầu
Với cương vị là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp giải trí tại Việt Nam, Ông Hà Anh Sơn – Chủ tịch HĐQT, CTCP Phát triển Công nghệ Minh Việt bày tỏ quan điểm rằng chương trình đào tạo Nghệ thuật số không chỉ mở ra cơ hội mới cho những người yêu thích sáng tạo mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa và giải trí trong kỷ nguyên số. Việc kết hợp giữa nền tảng kiến thức nghệ thuật vững chắc với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp tạo ra những sản phẩm văn hóa số và giải trí số có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Đây không chỉ là xu hướng, mà còn là hướng đi tất yếu để Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.
Ảnh: PGS.TS Phạm Việt Bình – ĐH Lạc Hồng đánh giá cao sự kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, mở ra cơ hội mới trong sáng tạo số
Ông Phạm Việt Bình – Đại học Lạc Hồng nhận định CTĐT Nghệ thuật số là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và công nghệ, bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Đây không chỉ là bước tiến quan trọng trong giáo dục mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người học trong lĩnh vực sáng tạo số. Việc ứng dụng công nghệ vào nghệ thuật không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tạo ra những giá trị mới, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam.
Ảnh: Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Hoạ sĩ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định rằng CTĐT Nghệ thuật số là lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn phát triển mạnh mẽ trong tương lai
Phát biểu kết luận phiên làm việc của Hội đồng đánh giá, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú – Hoạ sĩ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai Chương trình đào tạo Nghệ thuật số. Ông đặc biệt đề cao việc lồng ghép các yếu tố nền tảng văn hóa, lịch sử, pháp luật vào chương trình, đồng thời đánh giá cao sự kết hợp giữa công nghiệp văn hóa và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông, đây là một lĩnh vực đầy tiềm năng và hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Bên cạnh những ý kiến đóng góp của Hội đồng, buổi nghiệm thu là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và giảng viên trao đổi về xu hướng phát triển của nghệ thuật số trong thời đại công nghệ. Những ý kiến đóng góp từ Hội đồng sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện chương trình, hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, đây cũng là bước đi chiến lược khẳng định vai trò của ICTU trong việc tiên phong ứng dụng công nghệ số, không ngừng đổi mới để hòa nhịp với dòng chảy phát triển của ngành công nghiệp giải trí./.