Phát huy vai trò của người thầy trong đổi mới giáo dục đào tạo
Nhận thức rõ những tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, việc dạy – học trực tuyến không chỉ là giải pháp tình thế mà sẽ là xu hướng đổi mới của nền giáo dục trong thời đại ngày nay. Do đó, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tăng hiệu quả giảng dạy và học tập, mỗi thầy cô không thể áp dụng những phương pháp truyền thống, mang nguyên giáo án của lớp học trực tiếp để giảng dạy theo hình thức trực tuyến mà cần linh hoạt, đổi mới, sáng tạo các cách thức và phương pháp giảng dạy.
Để ứng phó với đại dịch, vượt qua những trở ngại, giữ vững nhịp ổn định cho hoạt động dạy và học, thời gian qua trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã quyết tâm biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội thông qua việc triển khai đồng bộ và áp dụng nhiều giải pháp phù hợp với bối cảnh thực tế cũng như với xu thế phát triển của thời đại chuyển đổi số, bao gồm phát triển nguồn học liệu số, hỗ trợ học trực tuyến, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Đồng thời, TS. Đỗ Đình Cường nhấn mạnh đến vai trò của nhà giáo, bởi họ chính là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng giảng dạy, truyền đạt tri thức. Để thích ứng yêu cầu đổi mới, đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường đã chủ động hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Mỗi thầy cô đã có những thay đổi theo hướng đảm nhiệm nhiều chức năng, nhiệm vụ hơn. Trong đó, chức năng quan trọng nhất chính là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ để sinh viên lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực và hình thành nhân cách.
Tăng cường sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên
Thay đổi không phải là điều dễ dàng, nhưng sự thay đổi luôn luôn là yêu cầu của mọi nghề, đặc biệt là một nghề giàu tính sáng tạo như nghề dạy học.
Theo TS. Đàm Thanh Phương – Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) khẳng định: Việc truyền tải kiến thức đến học trò bằng hình thức trực tiếp trên lớp đã khó, nay việc ấy càng khó hơn khi chuyển sang giảng dạy bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, với kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy qua nhiều năm, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông luôn nỗ lực xây dựng và tối ưu hóa bài giảng để thu hút học trò.
TS. Đàm Thanh Phương – Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Thái Nguyên) trong giờ giảng trực tuyến
Muốn sinh viên chú tâm, học tập nghiêm túc, nắm vững những kiến thức, kỹ năng quan trọng và áp dụng thành công cho công việc sau này, song song với việc thay đổi phương pháp giảng dạy, các thầy cô luôn chủ động tương tác với sinh viên và đặt mình vào vị trí của học trò để nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các em.
Để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên về vật chất và tinh thần trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhà trường đã tăng cường kết nối trao đổi giữa sinh viên với các giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các môn học, cán bộ đoàn, đội… qua đó, góp phần kịp thời chia sẻ, hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc giữa nhà trường, giáo viên và sinh viên.
Chính sự chủ động, sáng tạo của giảng viên trong suốt quá trình giảng dạy đã góp phần tạo nên môi tường dạy học thân thiện, tích cực, tạo điều kiện, cơ hội, tăng hiệu quả tương tác, góp phần thu hẹp khoảng cách và giới hạn giữa thầy và trò. Như vậy, với quyết tâm và những nỗ lực đồng hành cùng sinh viên trên hành trình lan toả tri thức, tin tưởng rằng trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục có bước phát triển mới, toàn diện và mạnh mẽ hơn đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Nguồn: Báo Giáo dục – Thời đại